“Người trong cuộc” nhiều băn khoăn
Chia sẻ với phóng viên, Hà Thị Thảo – sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Vinh (Nghệ An) cho rằng, bản thân hoàn toàn có thể sắp xếp kế hoạch học hành để đáp ứng công việc làm thêm với thời gian nhiều hơn so với đề xuất.
“Em vừa đi học vừa làm thêm hơn một năm nay. Vì học theo tín chỉ nên sắp xếp “khéo” một chút em hoàn toàn có thể có thời gian linh động từ 28 đến 30 giờ/ 1 tuần mà không bị ảnh hưởng gì đến chất lượng học tập. Trên thực tế, kể cả với thời gian mà nhà tuyển dụng đưa ra nhiều hơn con số đề xuất đó, em đều có thể đáp ứng được”, Thảo bày tỏ.
Qua đó, sinh viên này lo rằng, nếu đề xuất đi vào thực tiễn và có công cụ giám sát chính xác thì việc này ảnh hưởng rất nhiều đến việc làm thêm của mình.
Theo Thảo, trước khi bắt đầu vào làm việc, sinh viên này đã ký cam kết với người sử dụng lao động. Trong cam kết thể hiện khung thời gian làm bán thời gian có tổng thời gian đang cao hơn so với mức đề xuất. Nếu “siết” mức thời gian như vậy thì sẽ dễ xảy ra mẫu thuẫn với người sử dụng lao động.
“Nếu người sử dụng “linh động” và hạ mức thời gian cố định hàng tuần cho em thì chính em cũng bị ảnh hưởng về nguồn thu nhập so với trước đây. Còn nếu họ không linh động thì xác định là em mất đi công việc đang làm”, Thảo than thở.
Tuy nhiên, sinh viên này bày tỏ rằng, với việc sinh viên đi làm thêm tràn lan như hiện nay, việc kiểm soát cũng là điều không hề đơn giản với nhà quản lý.
Thảo chia sẻ: “Nếu ở ký túc xá thì cơ quan quản lý và nhà trường có thể quản lý thông qua giờ đóng, mở cửa của ký túc xá. Tuy nhiên, nếu sinh viên ở trọ thì ai sẽ hàng ngày giám sát giờ giấc của mọi người. Đơn cử là một sinh viên đã như vậy, trong khi trên thực tế sinh viên ở trọ rất nhiều.
Nếu việc học hành vẫn đảm bảo và kết quả học tập không ảnh hưởng bởi việc làm thêm thì hầu như sẽ không ai quan tâm đến việc sinh viên đó có đi làm thêm hay không. Chưa kể, sinh viên đó làm thêm với thời gian ngắn ở một cơ sở, nhưng trong một ngày, sinh viên đó có thể làm thêm ở nhiều cơ sở khác nhau.
Như vậy, nếu đề ra việc quản lý nhưng không áp dụng công nghệ kỹ thuật thì sinh viên đó hoàn toàn có thể khai gian dối mức thời gian làm việc để không bị xử lý”.
Cùng chung quan điểm về điều này, Nguyễn Xuân Kỳ – sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhận định, việc khống chế thời gian làm thêm về góc độ nào đó đã thể hiện sự quan tâm của các cơ quan quản lý đối với đời sống sinh viên.
Tuy nhiên, nếu không được cân nhắc kỹ, việc này không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của học sinh, sinh viên mà nó còn ảnh hưởng đến công tác bố trí việc làm với lao động bán thời gian của người sử dụng lao động.
Sinh viên này cho hay: “Từ trước đến nay những người sử dụng lao động nếu nhận học sinh, sinh viên làm công việc bán thời gian thì họ sẽ có những mức thời gian cố định được phân theo buổi/ca làm việc, thường sẽ là ca sáng, ca chiều và ca tối, mỗi ca tương đương 4 tiếng làm việc.
Tại một số chỗ làm đặc thù như nhà hàng, hoặc quán bar sinh viên còn làm các ca làm xuyên đêm. Nhà tuyển dụng khi phỏng vấn họ cũng trao đổi trước với sinh viên là các ca như vậy, nếu sinh viên có thể làm tròn 1 ca hoặc 2 ca thì họ mới nhận vào làm.
Với đặc thù của công việc bán thời gian là không có ngày cuối tuần, đồng nghĩa các ca làm việc của sinh viên cũng là xuyên suốt cả tuần. Nếu tính chi tiết với 1 ca làm việc/ ngày thì trong 1 tuần sinh viên đó buộc phải làm với tổng thời gian ít nhất là 28 tiếng.
Người sử dụng lao động họ cũng cân đối thời gian như vậy để tạo ra độ khớp về thời gian làm việc của cả hệ thống. Nếu có sự thay đổi nào về mặt thời gian thì rõ ràng cơ sở đó cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp”.
Cũng theo sinh viên này, ngoài một bộ phận đi làm thêm với mục đích là cải thiện thu nhập thì đa phần sinh viên đi làm với tâm lý là trải nghiệm và nâng cao kỹ năng sống. Vì thế, việc áp lực kiếm tiền không quá nặng nề với họ. Nên khi xảy ra mâu thuẫn với người sử dụng lao động về mức thời gian làm việc thì những sinh viên này thường sẽ chọn cách nghỉ việc. Việc này cũng gây ra khá nhiều tổn thất với người sử dụng lao động.